Mấy tháng trước, cả Châu Âu xôn xao vụ phi công hãng hàng không SAS đình công trên diện rộng, khiến cho hơn 4000 chuyến bay bị huỷ, ảnh hưởng đến hơn 380 ngàn hành khách. Tự nhiên mình lại nhớ đến vụ năm ngoái bị Norwegian Air huỷ chuyến đi Bergen sát giờ khởi hành (sau khi đã làm xong mọi thủ tục check-in, gửi hành lý, chỉ chờ check security nữa là lên máy bay). Sau cơn bức xúc buộc hãng book lại chuyến thay thế (đã thành công và được tặng thêm 2 voucher ăn uống), mình đã tìm ra cách khiến hãng bồi thường thiệt hại, ahihi.
Trong cái rủi có cái may, chỉ với 5 phút tìm boarding pass, submit đơn kiện qua Airhelp rồi chờ hãng giải quyết, mình nhận được gần 600€ tiền bồi thường trong khi tổng tiền vé cho cả nhà chuyến bị huỷ đó chưa đến 180€ (Lưu ý là tiền hãng bồi thường không liên quan đến tiền bảo hiểm du lịch đâu nha). Và khoản bồi thường đó ngay lập tức đã được góp vào chuyến road trip Mỹ cho thêm phần tĩ tã.
Sau đây là 1 số chi tiết đáng lưu ý:
1. Nội dung điều luật 261/2004 – Quy định bồi thường chuyến bay
Theo luật chung Châu Âu, bạn có thể nộp đơn đòi bồi thường từ hãng hàng không, theo đó:
Hãng hàng không phải bồi thường từ 250€ đến 600€/người/chuyến, dựa vào độ dài chuyến bay và thời gian bị chậm chuyến
Bạn cũng được bồi thường nếu chuyến bay bị huỷ, hoặc bạn bị từ chối bay do “overbook”
Nếu chuyến bay bị dời lại ngày hôm sau, bạn sẽ được sắp xếp chỗ ở trong thời gian đợi chuyến kế tiếp.
2. Luật Châu Âu 261/2004 áp dụng cho đối tượng nào?
Bạn được nhận bồi thường nếu chuyến bay của bạn đáp ứng các điều kiện sau:
Chuyến bay bị hoãn hơn 3 tiếng
Trong trường hợp bị huỷ chuyến, bạn không được hãng báo trước ít nhất 14 ngày
Bạn đã nhận được flight reservation
Lý do bị hoãn/huỷ chuyến nằm trong khả năng kiểm soát của hãng hàng không (*)
Chuyến bay đó là nội địa Châu Âu, hoặc có điểm đi hoặc điểm đến là Châu Âu. Đối với chuyến bay từ ngoài vào Châu Âu, Châu Âu là điểm đến (Ví dụ: bay từ Hà Nội sang Stockholm) thì hãng hàng không đó phải là 1 hãng của Châu Âu, trụ sở đặt tại 1 trong các nước thuộc Châu Âu.
3. Trường hợp không đòi được bồi thường
Ở trên mình có nhắc đến chuyện: bạn được bồi thường nếu việc hoãn/huỷ chuyến nằm trong khả năng kiểm soát của hãng, ví dụ: lý do kỹ thuật trên máy bay, nhân viên hãng đình công (trường hợp của SAS gần đây), etc. Ngoài ra, có 1 số trường hợp bất khả kháng (không thuộc quyền kiểm soát của hãng, không thể tránh khỏi) vẫn có thể xảy ra khiến chuyến bay bị hoãn/huỷ mà bạn không có quyền được bồi thường, ví dụ:
Lý do thời tiết: bão, lốc nhiệt đới, núi lửa, etc
Vấn đề an ninh
Vấn đề y tế: dịch, ốm bệnh, đau tim, etc
Vấn đề chính trị: đánh bomb, khủng bố, etc
Nhân viên mặt đất đình công (lưu ý, nhân viên mặt đất không thuộc nhân viên hãng hàng khồng – do đó không áp dụng được luật 261 nói trên)
4. 2 cách để nộp đơn đòi bồi thường:
Cách 1: Bạn tự làm tất cả mọi thứ 1 mình, từ thu thập giấy tờ đến viết đơn đệ trình, nộp cho hãng, theo đuổi vụ kiện. Tuy nhiên theo 1 thống kê mình lượm lặt google thì có đến 70% số hành khách bị từ chối hoặc bị “bơ” sau khi tự khiếu kiện hãng. Mà cũng chỉ có khoảng 5% khách sử dụng quyền đòi bồi thường vì phần đông hành khách ngại ngần mỗi khi nhắc đến chữ “kiện” hoặc không muốn động đến giấy tờ nhiêu khê.
Cách 2: Uỷ quyền toàn bộ cho công ty trung gian, giúp bạn hoàn thành từ A đến Z. Các công ty trong lĩnh vực này hoạt động theo mô hình “no win, no fee”. Có nghĩa là: họ sẽ chỉ thu phí nếu như case của bạn thắng kiện, đòi được bồi thường từ hãng. Sau khi thắng kiện, họ trừ trực tiếp khoảng 25% và chuyển vào tài khoản của bạn 75% còn lại.
5. Các công ty cung cấp dịch vụ đòi bồi thường cho chuyến bay trong Châu Âu
Chỉ đến khi bắt tay vào tìm kiếm, mình mới biết đến 1 số lượng lớn công ty hoạt động trong lĩnh vực này. Làm 1 chút so sánh nhẹ dựa trên % hoa hồng mà các công ty sẽ thu lại sau khi case kiện thành công, độ uy tín trên Trustpilot, số năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này của công ty kể từ khi thành lập đến này, vân vân và mây mây thì mình có 1 shortlist bao gồm: Airhelp, Claimcompass, ClaimFlight, Claim4Flights, Flightright, Refund.me ….
__________________________________
Trên đây là những điểm chính của luật E261.
Nguồn: Ha Nguyen